,

Vì sao xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm tốc?

Tháng 6/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Lạm phát tăng cao tại thị trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành gỗ.

Xuất khẩu gỗ giảm tốc

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,9% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 ước tính đạt 1,03 tỷ USD, giảm 18,1% so với tháng 6/2021. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ 5 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên trị giá xuất khẩu mặt hàng này giảm, do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường toàn cầu đang có xu hướng chững lại.

Nguyên nhân được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra là do tác động bởi tình hình dịch bệnh, chính sách “zero Covid” tại Trung Quốc cũng như chi phí đầu vào tăng cao do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, khiến nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, nên người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 giảm tốc.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gỗ, ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, nguyên nhân do lạm phát tăng nên người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU thắt chặt chi tiêu và chỉ sử dụng đồng tiền kiếm được cho những mặt hàng thiết yếu là trước tiên. Thực tế, một số đơn hàng của một số nhà máy khách hàng đang giảm sản lượng.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu gỗ nửa đầu năm 2022 giảm tốc so với cùng kỳ năm 2021 còn đến từ chi phí logistics rất cao. Thậm chí những mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giá trị sản phẩm nằm trong container thấp hơn nhiều so với giá vận chuyển. Ví dụ, tại một số cảng của Hoa Kỳ, giá 1 container hiện nay đã lên trên dưới 20 nghìn USD/con. Trong khi đó hàng lắp ráp sẵn không phải hàng tháo dời thì giá trị khoảng 13 – 15 nghìn USD. Chi phí vận chuyển cao cũng dẫn đến xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang các nước như Mexico để tận dụng lợi thế về khoảng cách địa lý.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 60% trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là các sản phẩm giá rẻ. Lạm phát tăng quá cao ở Hoa Kỳ đang ảnh hưởng lớn tới những người có thu nhập trung bình và thấp, khiến cho những người này đang phải thắt chặt chi tiêu. Việc này đang tác động không nhỏ tới xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành gỗ bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng. Không chỉ thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường lớn khác như EU, Hàn Quốc… cũng bắt đầu có dấu hiệu khó khăn do lạm phát.

Lo ngại đích đến năm 2022?

Sự giảm tốc kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nửa đầu năm 2022, câu hỏi đặt ra liệu ngành gỗ có lo ngại đích đến tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay? Về vấn đề này, ông Nguyễn Liêm nhận định, hiện ngành gỗ đang nằm trong nhóm tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nếu kiểm tra kỹ lại thì tỷ trọng tăng trưởng xuất khẩu so với những năm trước sẽ thấp hơn. “Với kinh nghiệm gần 30 năm trong ngành, tôi dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ đạt con số 5-7% chứ khó đạt con số 19% như năm 2021”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ.

Lý do được ông Nguyễn Liêm đưa ra là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao từ 20-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng giá thành sẽ tăng rất cao. Điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị giảm dù có cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lao động cũng không bù nổi. Bên cạnh đó, doanh số xuất khẩu toàn ngành lâm sản năm 2021 hiện nay đạt gần 16 tỷ USD, để tăng trưởng 10% sẽ là 1,6 tỷ sẽ khác xa so với khi kim ngạch xuất khẩu chỉ là 8 tỷ. “Dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu không còn lớn, trừ khi có sự đột phá như số hóa, tự động hóa, hay sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nội địa tăng lên”, ông Nguyễn Liêm nhận định.

Trước những biến động thị trường, ở thời điểm này, các chuyên gia đều thận trọng trong việc đưa ra nhận định về tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay. Trong bối cảnh lạm phát cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu, các doanh nghiệp cũng đang tính toán lại về đơn hàng, bạn hàng… để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối ưu nhất và giữ được thị trường, khách hàng.

Liên quan tới vấn đề mà ngành gỗ đang gặp phải, ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 5 tháng đầu năm 2022 tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản thuận lợi, tuy nhiên sang tháng 6, giá trị xuất khẩu quay đầu giảm. Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với các hiệp hội trong ngành gỗ để giải quyết bài toán về nguyên liệu của doanh nghiệp.

Còn theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, bài toán đặt ra cho ngành gỗ hiện nay là làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững? Đây là những câu hỏi hết sức cấp thiết mà ngành cần phải giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta muốn giữ vững lợi thế cạnh tranh của ngành.

Nguồn : Gỗ Việt

Danh mục:

No tag

Bài viết liên quan

Danh mục

Các bài viết khác